Thừa Thiên Huế đang từng bước xây dựng nền giáo dục thông minh bắt đầu từ xây dựng các phòng học, trường học thông minh. Đây là điều kiện góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn về giáo dục – đào tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trong giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Mô hình thí điểm
Thật khó quên với nhiều người khi được tham dự giờ thao giảng tiết học sử dụng mô hình phòng học thông minh (SmartEdu), do thầy Võ Anh Tú đảm nhiệm tại Trường THPT chuyên Quốc Học. Tiết học được đánh giá rất thành công, bởi giáo viên đã khai thác được những điểm mạnh của mô hình. Bài học môn hóa dạy bằng tiếng Anh ở tiết 5 vẫn tràn đầy năng lượng. Với mô hình lớp học thông minh, thầy và trò vượt qua giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường.

Mô hình SmartEdu là một trong những hệ thống được đánh giá cao và đang được áp dụng thành công tại nhiều trường học tại Nhật Bản. Tại Thừa Thiên Huế, mô hình phòng học thông minh được ngành giáo dục và đào tạo chọn khởi đầu cho việc triển khai xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh, thuộc đề án xây dựng Đô thị thông minh của UBND tỉnh.
Cùng với Trường THPT chuyên Quốc Học, mô hình còn được triển khai tại 5 trường quốc lập khác, gồm: Trường THCS Nguyễn Tri Phương và THPT Phú Bài (TX. Hương Thủy), THPT Hương Trà, THPT Phong Điền, THPT Nguyễn Chí Thanh trên cơ sở phối hợp với Tập đoàn NTT và VNPT Việt Nam. Mỗi trường được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư 1 phòng học thông minh, với nhiều thiết bị, như: Bảng tương tác, camera, mạng internet, micro, loa đài… với trị giá trên 700 triệu đồng/lớp, Các trường chọn 1 lớp có khoảng 40 em/lớp học thí điểm và học đều hết các môn. Các trường chọn 1 lớp có khoảng 40 em/lớp học thí điểm và học đều hết các môn.
Thầy trò cùng tương tác
Từ thực tiễn giảng dạy, cô giáo dạy tiếng Anh Trương Hoàng Bảo Nhi của Trường THPT chuyên Quốc Học chia sẻ, phòng học thông minh hỗ trợ tốt cho các hoạt động làm việc nhóm, hoạt động học và luyện kỹ năng viết, học sinh thuyết trình sinh động. Thầy trò có thể tương tác trực tiếp với nhau được nhiều hơn. Học sinh có nhiều cơ hội để trình bày và nhận được sự đánh giá của giáo viên. Tất nhiên, giảng dạy tại phòng học thông minh, giáo viên phải xây dựng giáo án mới hoàn toàn, chuẩn bị bài giảng chu đáo với nhiều ngữ liệu học tập phong phú. Họ không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà giúp học sinh hứng thú học tập, tiếp thu bài giảng nhanh với những hình ảnh minh họa sinh động.
Em Nguyễn Ngọc Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Tri Phương nhìn nhận: “Em rất thích học ở phòng học thông minh vì giúp em và các bạn dễ dàng tương tác với giáo viên thông qua hình ảnh trực quan. Những môn học xã hội không còn nhàm chán khi em được tiếp cận với tác phẩm, nhân vật, sự việc cụ thể để hiểu rõ vấn đề hơn”.

Dưới góc độ quản lý, cô giáo Trần Thị Diệu Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho rằng, giáo viên tốn công sức nhiều hơn khi dạy ở phòng học thông minh, nhưng hiệu quả cao hơn. Thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết thông thường như trong sách giáo khoa, giáo viên sẽ chia nhóm để học sinh thu thập tài liệu, hình ảnh, clip liên quan đến tác giả, tác phẩm để trình chiếu trên lớp. Việc làm này tuy mất nhiều thời gian nhưng học sinh được trải nghiệm, giúp các em tiếp thu bài nhanh và chủ động hơn.
Tiếp tục phát huy
Bước đầu triển khai thí điểm mô hình cho thấy các tiêu chí, gồm: Học sinh hứng thú hơn với tiết học; tiết kiệm thời gian cho giáo viên; bài giảng sinh động hơn; phương pháp giảng dạy của giáo viên linh hoạt hơn; học tập nhóm có hiệu quả cao hơn… đều đạt hiệu quả. Dạy và học theo cách tiếp cận mới ở phòng học thông minh sẽ thoát khỏi cách dạy chay, học chay và kích thích học sinh say mê khám phá.
Thực tế, nhờ phòng học thông minh nên việc triển khai các bài giảng hiệu quả và phát triển được năng lực học trò. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài phòng học thông minh hiện nay không tổ chức đại trà được vì khó khăn về kinh phí.
Trong xu thế cạnh tranh thời đại 4.0, nếu nhân rộng mô hình lớp học thông minh sẽ gặp một số hạn chế, đáng chú ý là sự chênh lệch về trình độ sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, cán bộ quản lý. Nhiều giáo viên ngại thay đổi, chưa tiếp cận đầy đủ về xu hướng giáo dục thông minh. Trước mắt, Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng lộ trình đầu tư để nhiều trường có một lớp học thông minh với trang thiết bị, nội thất đồng bộ, đầy đủ, công nghệ hiện đại để làm cơ sở mở rộng trong quy mô trường, tiến tới xây dựng trường học thông minh toàn diện.
Nguồn tham khảo: Báo Thanh niên điện tử /tỉnh Thừa Thiên Huế